![]() |
Trần Phong Sắc (Nguyễn Tấn Quốc) |
![]() |
![]() |
![]() |
Người viết: Nguyễn Tấn Quốc | |||
07/06/2014 | |||
* Nguyễn Tấn Quốc Trần Phong Sắc không lạ đối với các thế hệ độc giả ở những thập niên đầu thế kỷ 20. Đóng góp của Trần Phong Sắc vào văn hóa nước nhà là rất đáng trân trọng nhưng do cuộc đời trầm lặng, âm thầm và nhiều nguyên nhân khác, ông không có chỗ đứng khiêm nhường nào trong Văn học sử miền Nam. Viết về ông, đầu tiên phải kể đến Địa phương chí Tân An Ngày Xưa của Đào Văn Hội, 1972. Gần đây, biên khảo Trần Phong Sắc-cuộc đời & sự nghiệp của Khấu Thị Thanh Tâm (Nxb Thanh Niên 2010) cũng là một nỗ lực góp phần làm sáng tỏ thêm về thân thế và sự nghiệp của ông.
Có nhiều giai thoại về sự lập dị của ông. Đào Văn Hội kể về thầy mình trong Tân An Ngày Xưa: “Kể về tướng mạo thì ông Trần Phong Sắc xấu người, ông mang một đầu tóc to tướng, nước da ngâm ngâm đen, mắt lé nặng. Đi dạy học, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, cặp cây dù đen, mang đôi giày hàm ếch thật là (xập lết). Mưa hay nắng, ông vẫn đi bộ luôn, từ xóm Ngã Tư tới trường, trong túi áo trắng mặc trong kè kè những sách…. Học sinh gọi ông là “thầy ma-ranh” (morale) hoặc “ông kẹ lửa”, vì trong lớp đứa nào trửng giỡn thái qúa, ông “tặng” cho nó cái cú đầu nháng lửa và cho nó điểm 0…Tánh ông trầm lặng, ít giao thiệp, nên giờ nghỉ xả hơi, mấy ông thầy giáo kia tựu nhau chuyện vãng còn ông thì ngồi một mình trong lớp xem chữ Nho…Có lẽ vì thời buổi ấy, trường tỉnh Tân An xem thường môn luân lý, vì ông Trần Phong Sắc quá hiền hậu, lôi thôi, và cũng vì mấy ông thầy giáo khác ít nể ông, không răn dạy học trò kính nể ông nên giờ dạy luân lý, cái lớp ông dạy như cái chợ, mặc ông nhịp roi nhịp thước, trên bàn học trò cứ giỡn…”.Ông hiếu đạo cũng khác người. Suốt ba năm tang mẹ-người truyền dạy vốn chữ Hán cho ông, ông ăn chay nằm đất, mặc kệ nắng mưa, ngày ngày vác chiếu đi mấy cây số ra ngủ cạnh mộ mẹ, làm hình nhơn thờ phượng, cơm nước ba bữa đúng nghĩa “sự tử như sự sanh”. Nhà ông ở thì sùm sụp, viết đầy chữ Hán, trông xa xa như một cái động, nên công chức Tân An có câu “Tỉnh Tân An có động Trần Phong”. Người ta đồn rằng, năm 1916, xóm Ngã Tư của ông bị một trận hỏa hoạn làm thiêu rụi mấy trăm căn nhà, nhưng ngọn lửa cháy mãnh liệt đang bị gió thổi hướng về nhà ông đột nhiên chuyển hướng sau khi ông đem hình nhơn ra “làm phép” càng làm cho nhân vật Trần Phong Sắc thêm lạ lùng và có phần bí hiểm. Trần Phong Sắc khác người nên người đương thời cho ông là gàn dở nhưng có lẽ họ chưa hiểu ông. Giữa xã hội mà các giá trị truyền thống đang bị chà đạp, những gì ông làm, dạy học và sáng tác luôn đề cao đạo lý dân tộc, thật đáng trân trọng. Ông thực sự là một kỳ nhân đất Tân An xưa. Tên ông được đặt cho một con đường ở phường 4, thành phố Tân An, năm 2008. Nên chăng một ngôi trường mang tên Trần Phong Sắc? (Theo Tân An ngày xưa) |
< Trước | Tiếp > |
---|
|